Sự nổi lên của Đặng Tiểu Bình và các cuộc Cải cách Kinh tế (1976-1989) Lịch_sử_Cộng_hòa_Nhân_dân_Trung_Hoa

Cái chết của Mao Trạch Đông kéo theo cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Bè lũ bốn tên, Hoa Quốc Phong, và Đặng Tiểu Bình. Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao Trung Quốc vào năm 1980. Tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 11, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đưa Trung Quốc theo con đường Cải cách Khai phóng (改革開放), các chính sách này bắt đầu bằng việc phi tập thể hóa nông thôn, tiếp đó là các cải cách trong công nghiệp nhằm mục tiêu giảm quản lý tập trung từ chính phủ trong lĩnh vực này. Về vấn đề di sản của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đưa ra câu nói nổi tiếng "7 phần tốt, 3 phần xấu", và tránh lên án Mao. Đặng Tiểu Bình bảo vệ ý tưởng về Các đặc khu kinh tế (SEZ's), những vùng cho phép đầu tư nước ngoài được rót trực tiếp mà không bị cản trở hay quản lý từ phía chính phủ, hoạt động dựa trên hệ thống tư bản. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp nhẹ coi đó là bước đệm cần thiết cho việc phát triển những ngành công nghiệp nặng của đất nước.

Những người ủng hộ cải cách đưa ra bằng chứng về sự phát triển ở mức độ cao ở các lĩnh vực tiêu dùngxuất khẩu của nền kinh tế, sự hình thành một tầng lớp trung lưu thành thị chiếm tới 15% dân số, mức sống cao hơn (thể hiện qua sự tăng trưởng ngoạn mục của mức GDP trên đầu người, chi tiêu tiêu dùng, tuổi thọ, tỷ lệ biết chữ, và tổng mức sản xuất lương thực) và ở mức rộng lớn hơn là các quyền con người và tự do cho người dân thường Trung Quốc, coi đó là minh chứng cho sự thành công của các cuộc cải cách.

Dù tiêu chuẩn cuộc sống đã được cải thiện rõ rệt trong thập kỷ 1980, những cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình vẫn bị chỉ trích rộng rãi. Những người bảo thủ cho rằng một lần nữa Đặng Tiểu Bình lại mở cửa Trung Quốc cho những điều xấu xa từ bên ngoài, và người dân quá thiên về tư duy vật chất, trong khi những người theo chủ trương tự do chỉ trích Đặng Tiểu Bình về lập trường cứng rắn của ông trong lĩnh vực chính trị. Các lực lượng tự do đã bắt đầu bày tỏ thái độ phản kháng bằng nhiều cách khác nhau chống lại thế lực lãnh đạo, và đã dẫn tới Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 khiến chính phủ Trung Quốc bị quốc tế lên án. Những chỉ trích về các cuộc cải cách kinh tế, cả trong và ngoài Trung Quốc cho rằng cải cách đã gây ra bất bình đẳng giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, tham nhũng tràn lan, thất nghiệp tăng cao, cùng với đó là tình trạng giãn thợ tại các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả cũng như các ảnh hưởng văn hóa xấu khác. Vì thế họ tin rằng văn hóa Trung Hoa đã bị sai lạc, người nghèo trở thành một tầng lớp vô hy vọng bên dưới, và rằng sự ổn định xã hội đang bị đe doạ. Họ cũng tin rằng nhiều cuộc cải cách chính trị, như những động thái chuẩn bị cho những cuộc bầu cử toàn dân, đã không bao giờ trở thành hiện thực. Dù có những quan điểm trái ngược như vậy, hiện nay quan điểm thông thường của người dân với Mao đã có một số cải thiện, ít nhất cũng ở bề ngoài; những hình ảnh về Mao và các chủ đề liên quan tới Mao đã trở thành một thứ mốt, thường được sử dụng trên các mặt hàng mới. Tuy nhiên, con đường hiện đại hóa và tiến tới cải cách kinh tế theo hướng thị trường mà Trung Quốc đã bắt đầu theo đuổi từ đầu thập kỷ 1980 có lẽ không thể đảo ngược. Thậm chí những người chỉ trích những cải cách kinh tế cũng không muốn quay trở lại với cuộc sống hai thập kỷ trước kia, dù sao vẫn cần phải đưa ra một số biện pháp sửa đổi nhằm giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực trên các vấn đề xã hội, một kết quả khác của các cuộc cải cách hiện tại.